Thứ Tư, 6 tháng 4, 2016

Khám phá Cửa Lò qua các câu chuyện xưa


Cửa Lò nằm giữa hai cửa sông Cấm và sông Lam. Nước hai con sông này không làm cho biển đục, ngược lại, chúng khiến độ mặn của nước biển ôn hòa, phù sa của hai con sông là nguồn thức ăn vô tận để tôm, cá, mực, ghẹ ở nơi này thơm ngon, đậm đà hơn ở nơi khác. Nơi đây tụ hội của bao nhiều núi và đảo (người xưa gọi là “nhân sơn quần tụ”): có ngọn Lô Sơn cao chất ngất trông ra biển, núi Cờ, núi Voi, núi Mão, núi Áo ở Nghi Quang, Nghi Hợp, núi Kiếm, hòn Thỏi Mực ở Nghi Tân, núi Bảng Nhãn ở Nghi Thiết… gợi nhớ quá khứ văn thao võ lược của vùng đất ven biển này. Đảo Lan Châu, đảo Song Ngư kỳ vĩ.

Còn nhớ cách đây hơn trăm năm người Pháp đã phát hiện ra bãi biển Cửa Lò là nơi nghỉ mát lý tưởng. Hồi đó, khi mở đường quan Nam Bắc, làm đường Hỏa xa, mở nhà máy diêm, nhà máy gỗ Trường Thi, họ đã nghĩ tới Cửa Lò, Cửa Hội, đến mở đồn điền khai khẩn vùng tây Nghệ An. Ngày đó, người Pháp đã đem cây phi lao về trồng ở Cửa Lò. Nơi đây, cũng là khu du lịch Cửa Lò được ông vua cuối cùng của triều Nguyễn là Bảo Đại cho đem giống hoa cúc biển về trồng. Khoảng sau năm 1960 Cửa Lò được xây dưng thêm hai dãy nhà 3 tầng làm khu nghỉ mát của quân đội, nó nằm ở gần khu chợ đặc sản bây giờ. Năm 1970, Cửa Lò cũng có làm du lịch. Giao tế Của Lò được xây dựng. Đó là khu khách sạn nho nhỏ nằm ở gần Nhà nghỉ Công đoàn…

Những rừng cây phi lao có nguồn gốc do người Pháp trồng trên đất Cửa Lò

Tiếc rằng, qua những cuộc chiến tranh khốc liệt, bao biến cố thăng trầm, viên ngọc Cửa Lò bị vùi lấp bởi những tầng tầng, lớp lớp đổ nát vụn vỡ thời gian. Quá khứ chẳng còn gì nữa, có chăng chỉ còn trong ký ức những người có tuổi, trong sắc vàng hoa cúc biển vẫn kiên cường nở trên cát, trong di tích cũ kỹ u hoài còn sót lại của lầu nghinh phong năm nào vua Bảo Đại đứng trên đảo Lan Châu nhìn ra bốn bề mặt biển.

Thậm chí, cho đến cách đây khoảng 20 năm, người ta vẫn không nhắc đến Cửa Lò như một khu du lịch nghỉ dưỡng, mà là bãi đáp của hàng “second hand”, nơi những con tàu viễn dương đem về vô số hàng hóa điện tử để khắp trong Nam ngoài bắc đổ về lựa chọn, bán mua. Ngoài cái “chợ điện tử Nghi Tân” sôi nổi, tấp nập ấy, Cửa Lò chỉ là một quê biển hoang sơ, vất vả, mùa hè gió Lào ràn rạt thổi và đông đến lạnh lẽo, cô liêu, hàng phi lao run rẩy co ro ôm lấy làng bãi ngang ven biển. 

Nhưng điều quan trọng nhất, người Cửa Lò còn giữ được cái hồn hậu, mộc mạc xứ Nghệ. Và chính những người con của biển ấy, vốn là người dân làm nghề chài lưới đã làm sống lại một Cửa Lò tươi đẹp, mài giũa viên ngọc xù xì lấm lem trở nên long lanh, rực sáng. 

Sỡ dĩ chúng tôi gọi như vậy vì những năm trước đây du khách du lich Nghệ An về nghĩ dưỡng ở Cửa Lò chỉ biết một bãi tắm Xuân Hương có bãi dài thoài thoải mênh mông, nhìn ra đảo Lan Châu, Hòn Ngư vẫn chỉ là sự thèm muốn. Vậy nhưng giờ đây, theo hướng mở rộng ra phía biển, tour tuyến này đã được xây dựng đưa du khách khám phá hải đảo và đại dương, một “ thiên đường ngoài biển” Đảo Lan Châu nằm ngay sát bờ biển, tiếng địa phương còn gọi là Rú Cóc, vì đảo có hình dáng như một con cóc khổng lồ đang vươn mình ra biển khơi. Đảo Lan Châu chia bãi tắm Cửa Lò thành hai khu vực riêng biệt.

Điều đặt biệt là khi thủy triều lên, tất cả chân đảo chìm dưới nước biển, khi thủy triều xuống, phía tây hòn đảo nối với đất liền thành bán đảo. Phía đông là những vách đá sắc nhọn nhô cao giữa làn nước xanh trong biếc, do sự bào mòn của gió và sóng tạo cho những hòn đá này có những hình thù kỳ thú. Trên đỉnh cao của đảo có lầu nghinh phong của vua Bảo Đại, từ vị trí này có thể quan sát toàn cảnh thị xã, cảng Cửa Lò và phóng tầm mắt ra biển khơi bao la. 


Đảo Lan Châu với những bờ đá hình con cóc nhoài ra biển

Chúng tôi bước chân lên lầu nghinh phong vua Bảo Đại năm nào, đi thăm mộ cô Tiên nằm lặng im trên vách núi. Biển xanh trải ra vô tận. Nghe trong gió, trong nắng tiếng vọng thâm trầm của quá khứ thiêng liêng. Những nhóm khách du lịch chụp ảnh cho nhau. Nhìn ra xa là đảo Song Ngư - hai hòn núi mọc từ đáy biển lên, đứng sát nhau. Ngọn lớn hơn cao 133 m, ngọn kia cao 88m.

Ngồi trên cano, chúng tôi tiến về vùng đất vừa hiện hữu, vừa bí ẩn ấy, nhắc cho nhau truyền thuyết năm xưa… Chuyện kể lại rằng, ngày xưa vùng biển này chưa có đảo, có vịnh, mặt biển mênh mông phẳng lỳ có vẻ hiền lành nhưng che giấu bên dưới những xoáy nước chết người. Rất nhiều thuyền đánh cá đã bị nhấn chìm ở nơi này; rất nhiều người đã thiệt mạng. Thấy có quá nhiều dân làng phải bỏ mạng nơi biển dữ, có hai anh em làm nghề chài lưới rất giỏi, rất yêu thương nhau đã tự nguyện làm vật hiến tế cho trời đất.

Trong một đêm trăng, hai anh em lên thuyền, ra biển làm lễ cúng tế trời đất rồi tự gieo mình xuống biển. Bất chợt mây trời vần vũ, biển cuộn lên những con sóng khổng lồ, dữ dằn, rung chuyển. Giữa muôn trùng con sóng nơi 2 anh em gieo mình xuống, hai hòn đảo từ từ nhô lên. Kể từ khi hai hòn đảo này xuất hiện, vùng biển này bình yên hẳn. Những trận cuồng phong ít đi, nước biển trong xanh, tôm cá dồi dào.

Để tưởng nhớ công ơn của hai anh em người dân đã gọi hai hòn đảo này là Song Ngư. Từ đó trở đi, đảo Ngư như một điểm tựa an toàn của ngư dân đi biển, chỉ cần nhìn thấy 2 đỉnh màu xanh nhô lên giữa mênh mông nước, là thuyền như được trở về nhà. 

Đảo Song Ngư nhìn từ đất liền
Nơi đây vừa có vẻ đẹp tự nhiên hùng vĩ, có bãi tắm tiên nước trong lành, ấm áp, nhưng đặc biệt còn có vẻ đẹp lịch sử, văn hóa lâu đời. Tạo hóa thật công bằng khi ban tặng cho vùng đất nắng gió khắc nghiệt này một vùng huyền tích đầy kỳ thú. Trước mắt du khách du lich Sam Son, Đảo Ngư “sừng sững, đầy bí ẩn, thâm trầm”, với động dơi và những vách đá ồn ã sóng vỗ, những viên đá cuội nhẵn bóng, nhiều màu, nước biển trong suốt nhìn sâu xuống vẫn thấy đá, những bãi đá sắc nhọn nhô cao giữa làn nước xanh trong biếc như tạo thành bờ con cong ôm lấy đảo. 

Chùa song ngư cổ kính

Cả không gian tĩnh lặng, thanh bình, chúng tôi như thấy lòng mình chợt lắng lại. Chùa Song Ngư cổ kính và kia, đôi lộc vừng cổ thụ ngót 700 năm tuổi, cành lá xanh rậm rì, gốc cây xù xì, gân guốc vết thời gian. Đây là một trong không nhiều ngôi chùa hướng ra biển Đông, thờ Đức Phật và Sát Hải Đại vương Hoàng Tá Thốn, vị tướng thủy quân có công đánh giặc Nguyên Mông thế kỷ XIII. 

Trong chùa, đồ gỗ được chạm khắc tinh vi với Tứ linh: Long, Ly, Quy, Phượng các đồ tế sáng bóng, trang nghiêm. Chính giữa chùa là Giếng Ngọc, có nguồn nước ngọt mát, dùng để nấu lên loại rượu Song Ngư ngon nức tiếng. Theo ông Nguyễn Đình Hợi, người trông coi chùa thì nơi “giếng thần” này có một con lươn vàng rất lớn, lươn đã sống lâu năm, đợi lúc hóa rồng.


Cây lộc vừng cổ thụ và giếng Ngọc trong chùa chưa thấy cạn bao giờ

Giữa xô bồ cuộc sống, ra với Đảo Ngư du khách du lịch Cửa Lò như trút được gánh nặng lòng mình nơi chốn tâm linh, thắp nén tâm nhang thành kính cầu mong cho trời yên biển lặng, đức phật, hương anh linh người đã mất phù hộ độ trì cho đất nước quê hương.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét