Nằm ở hạ lưu sông Lam và sông Cấm, Nghi Lộc có truyền thống văn hóa lâu đời, phong phú của vùng quê xứ Nghệ và in đậm sắc thái riêng...
Không như những chuyến du lịch Cửa Lò trước, lần này tôi không chọn những điểm đến hấp dẫn đã được ghi tên vào bản đồ du lịch của vùng như Bãi biển Cửa Hội, Khu nghỉ dưỡng resort Bãi Lữ của Nghi Lộc, mà, chúng tôi tìm đến bãi biển Mũi Rồng - Nghi Thiết nơi nối liền với bãi biển Cửa Lò. Để đến được bãi biển Mũi Rồng - Nghi Thiết du khách phải đi vòng qua Nghi Quang. Rất nhiều người đến với biển để xua tan những mệt mỏi, nắng nóng ngày hè đã chọn biển Nghi Thiết thay vì đến với Cửa Lò, Cửa Hội đông đúc. Họ cho rằng biển Nghi Thiết đẹp chẳng kém Cửa Lò, nó thích hợp cho sự khám phá nghỉ dưỡng bởi ở đây có bãi cát mịn thoải, an toàn lại vắng khách, xung quanh không có hàng quán dịch vụ, nhưng nếu đi cùng một nhóm bạn thì có thể mang theo đồ ăn, tổ chức cắm trại trên bãi biển, rất thú vị.
Đặc biệt đến Nghi Thiết du khách du lich Nghệ An có thể tham quan làng nghề đóng tàu Trung Kiên nổi tiếng có tuổi đời lên tới 700 năm. Tương truyền cách đây 700 năm khi Lê Lợi dẫn quân đánh giặc Minh khi qua Kênh Nhà Lê thì không may mắc cạn, nghe tin một ngư dân chuyên đóng tàu gỗ tại làng đã nảy ra một sáng kiến, cưa đôi con tàu gỗ, quay đầu, nhấc nó ra khỏi chỗ cạn rồi đóng lại như cũ. Sáng kiến thành công, ông được tướng quân Tây Sơn trọng thưởng và phong sắc “Tiền triều minh nghị tướng quân”. Đó là câu chuyện về ông tổ của làng nghề đóng tàu Trung Kiên mà ai trong làng cũng biết, cũng tự hào kể cho khách đến thăm làng.
Chia tay bãi biển Mũi Rồng, chúng tôi tìm đến một địa danh khác nổi tiếng Nghi Lộc là bãi biển Cửa Hiền (Nghi Yên). Điều đầu tiên mà tôi cảm nhận được là ở biển xanh và trong nhưng lại vắng vẻ đến lạ. Ở ngay bãi biển có rất nhiều hòn đá nhô lên giống như con cá biển gọi là bãi đá Ngư Hải. Đây là khu vực duy nhất của Nghệ An không có gió Tây Nam nóng bỏng vào mùa hè. Cái làm nên sự khác biệt của Cửa Hiền so với các bãi biển khác chính là phong cảnh nguyên sơ từ bãi đá, bãi cát, con đường và cả núi rừng. Dù các hàng quán ở Cửa Hiền chưa nhiều và còn mang tính dân dã của thôn quê, nhưng ở đây hải sản luôn tươi ngon và giá cả rất vừa túi tiền. Nếu có thú vui khám phá chúng ta có thể đi dọc bãi biển này để đến với bãi biển Tiền Phong ở Nghi Tiến, bãi Mũi Chuối, bãi Hàu - Nghi Thiết.
Chia tay những con tàu hùng dũng sắp sửa được hoàn thiện để vươn khơi, chia tay cả những con đường nhỏ ngoằn ngoèo uốn quanh sườn núi, những bãi biển thơ mộng, chúng tôi tìm đến những địa chỉ đỏ, là những địa danh mà hễ nhắc đến thì bất cứ người dân nào là người con của Nghi Lộc cũng rất đỗi tự hào. Ấy là ngôi đền đã được cấp chứng chỉ quốc gia – đền thờ Nguyễn Xí. Tiếp chúng tôi là ông trưởng họ Nguyễn Đình Hảo cháu đời thứ 14 của cụ Nguyễn Xí, ông rất vui mừng khi chúng tôi có nhã ý muốn được tìm hiểu về lịch sử và thân thế của vị cương quốc công, và cho rằng nhân dân hiểu được công lao của vị đệ nhất khai quốc công thần thì không thể không đến thắp nén nhang tỏ lòng thành kính và cũng để mong được ngài phù hộ cho bình an.
Đền Nguyễn Xí là nơi thờ Thái sư Cương Quốc công Nguyễn Xí - bậc khai quốc công thần thời Hậu Lê, người có công lao lớn trong sự nghiệp Bình Ngô của vua Lê Thái Tổ và cũng là người có công lớn trong việc phế bỏ Nghi Dân, đưa Lê Thánh Tông lên ngôi, mở ra thời kỳ hoàng kim của chế độ phong kiến Việt Nam. Nguyễn Xí không chỉ là một vị tướng có công lao to lớn trong phong trào giải phóng dân tộc mà còn có công lớn trong công cuộc kiến thiết phát triển đất nước ở buổi đầu của thời đại Lê Sơ. Nguyễn Xí là một vị đại thần thờ 4 triều vua: Lê Thái Tổ, Lê Thái Tông, Lê Nhân Tông, Lê Thánh Tông, làm phụ chính cho hai vua: Lê Thái Tông và Lê Nhân Tông. Với ông, phò Vua chính là phò dân, phò nước.
Không chỉ có đền thiêng Nguyễn Xí, Nghi Lộc còn có 22 di tích lịch sử đã được xếp hạng, 9 di tích cấp quốc gia, 13 di tích cấp tỉnh, ngoài ra còn có Kênh nhà Lê, cầu Cấm là những di tích lịch sử cách mạng đang chờ được xếp hạng. Và đền Cửa và Mộ tướng Ninh Vệ tọa lạc ở vị trí trung tâm xã Nghi Khánh cách Thành phố Vinh 19 km, cách huyện lỵ Nghi Lộc 9 km về phía Đông là một địa chỉ tâm linh đáng chú ý. Đền được xây dựng từ thời nhà Trần thờ Mẫu Âu Cơ, Cao Sơn, Cao Các, Tam Tòa Thánh Mẫu và thờ các nhân vật nổi tiếng của dân tộc và địa phương như: Chiêu Minh Vương Trần Quang Khải, Tướng quân Ninh Vệ, Quận công Nguyễn Cảnh Quế, nho sư Phùng Thời Tá. Trong thời kỳ chống thực dân Pháp, đền Cửa còn là nơi hội họp bí mật của tổ chức đảng ở Nghi Lộc. Tháng 4/1931, đền Cửa là nơi tập trung nhân dân trong vùng biểu tình, bắt tên Chánh Đoàn Hiệu - tay sai của Pháp, thu hồi ấn triện, thành lập chính quyền Xô Viết. Khi phong trào Xô Viết bị đàn áp, giặc Pháp bắt đồng chí Hoàng Văn Tâm (nguyên Bí thư Huyện ủy Nghi Lộc) và xử bắn đồng chí ở chân núi Động Đình, gần đền Cửa vào ngày 20/6/1932. Bấy nhiêu những di chỉ, những hiện vật và cả những hồi ức sống động ấy cũng đủ để làm nên những trầm tích văn hóa đậm nét của một vùng đất cách mạng; những kỳ vọng, những niềm tin về một địa chỉ du lich Sam Son lý thú trong tương lai…
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét