Thứ Tư, 28 tháng 11, 2018

Giá trị kiến trúc nghệ thuật đặc sắc của chùa Bổ Đà

Khu di tích chùa Bổ Đà là một danh lam cổ tự nổi tiếng của vùng Kinh Bắc xưa nay. Tương truyền chùa Bổ Đà có từ thời Lý, được tu bổ, tôn tạo và trở thành nổi tiếng vào thời Lê Trung Hưng, khi đó vua Lê Dụ Tông niên hiệu Bảo Thái 1720-1729, có vị quan tên là Phạm Kim Hưng quê ở làng Bình Vọng, huyện Thượng Phúc, Hà Tây (nay thuộc huyện Thường Tín, thành phố Hà Nội), sau khi từ quan về quê lập nghiệp đã vân du đến vùng đất Bổ Đà này, nghe các cao tăng giảng đạo và khi đắc đạo ông đã đem tất cả bổng lộc có được trong thời kỳ làm quan đem ra để trùng tu, mở mang di tích và chọn đây là nơi đào tạo các tăng đồ của thiền phái Lâm Tế.

Trải qua thời gian với những thăng trầm của lịch sử di tích đã nhiều tu bổ tôn tạo song chùa Bổ Đà Bắc Giang vẫn giữ được những giá trị lịch sử kiến trúc nghệ thuật đặc sắc. Qua 14 đời sư trụ trì đến nay ngôi chùa luôn được gìn giữ, bảo tồn và phát huy để trở thành 1 trong 2 chốn tổ lớn của tỉnh Bắc Giang.


Hiện nay khu di tích chùa Bổ Đà gồm rất nhiều hạng mục lớn nhỏ trong đó có 4 hạng mục chính, đó là Chùa Cao, am Tam Đức, Chùa Tứ Ân, Vườn Tháp.

Không giống những ngôi chùa khác là thờ nhiều tượng, từ trước đến nay Chùa Cao chỉ thờ một pho tượng duy nhất đó là tượng Quan Âm Tống Tử; điểm độc đáo nữa là chùa có nhiều tên gọi khác nhau như Chùa Cao vì chùa toạ lạc trên độ cao của núi Phượng Hoàng, chùa Quán Âm, chùa Ông Bổ bắt nguồn từ truyền thuyết dân gian, chùa Bổ Đà là lấy theo dãy núi Bổ Đà hùng vĩ.

Am Tam Đức có lịch sử từ lâu đời. Giá trị đặc sắc của am Tam Đức thể hiện ở ý nghĩa tên gọi: Am Tam Đức gồm 3 đức là Ân Đức, Đoạn Đức và Tri Đức. Tri đức hay còn gọi là quán đức nó có nghĩa là, người tu hành cần phải dùng trí huệ quán sát các pháp. Nhờ quán sát như thế, người tu hành mới tìm ra con đường giải thoát kiếp luân hồi. Đoạn đức là chỉ cho đoạn dứt hết các thứ vô minh phiền não lậu hoặc. Ân Đức là do nguyện lực của Phật và Bồ tát luôn luôn cứu độ chúng sanh. Người có ân đức là người luôn có tâm hồn rộng lượng bao dung tha thứ và làm lợi ích cho muôn loài.

Tứ Ân là một trong những hạng mục chính của khu di tích chùa Bổ Đà. Chùa được xây dựng vào thời vua Lê Dụ Tông (thế kỷ 18) và được trùng tu tôn tạo vào thời Nguyễn (thế kỷ XIX-XX) và những năm gần đây. Chùa có bố cục kiến trúc theo kiểu nội thông ngoại bế, tức nhìn từ ngoài vào chùa được bao bọc bởi hệ thống tường trình bằng đất, bên trong gồm 16 toà ngang dãy dọc với hơn 90 gian liên hoàn thành hình chữ Hoắc. Dấu ấn khác biệt của chùa Tứ Ân so với hệ thống các ngôi chùa cổ vùng đồng bằng Bắc Bộ Việt Nam chính là thờ Tam Giáo (gồm Phật giáo, Nho giáo và Lão giáo).

Với chức năng là nơi đào luyện tăng đồ của Thiền phái Lâm Tế đến nay chùa Tứ Ân còn lưu giữ được gần 2000 mộc bản kinh Phật cổ bằng gỗ thị được san khắc từ năm 1740 và nhiều đời cao tăng sau này. Trên những tấm mộc bản đó, người xưa đã để lại dấu ấn qua nội dung, đường nét, họa tiết, hình khối điêu luyện và tinh xảo, phản ánh những tư tưởng, triết lý sâu xa của đạo Phật nói chung và dòng thiền Lâm Tế nói riêng.


Vườn Tháp – Nét đặc biệt hiếm có ở các ngôi chùa. Vườn tháp chùa Bổ Đà là một trong những vườn tháp đẹp và lớn nhất trong cả nước gồm 110 ngôi tháp và mộ lớn nhỏ khác nhau. Trong đó, có 97 ngôi tháp cổ có lịch sử hàng trăm năm là nơi tàng lưu tro cốt xá lỵ nhục thân của 1214 tăng ni phật tử của thiền phái Lâm Tế trong cả nước. Các ngôi tháp đều được xây bằng gạch và đá bằng kỹ thuật truyền thống bắt mạch vôi mật mía. Một trong những điểm độc đáo khác biệt ở vườn tháp mà du khách tour lễ hội 2019 nhìn thấy đó là: Tất cả các tháp đều có cửa dạng cuốn vòm nhìn về hướng Đông Bắc.

Lễ hội truyền thống chùa Bổ Đà được tổ chức hàng năm trong 3 ngày từ 16-18/2 âm lịch.

Với những giá trị tiêu biểu, năm 1992 chùa Bổ Đà được Bộ Văn hóa, Thông tin và Thể thao xếp hạng là Di tích kiến trúc nghệ thuật.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét