Thứ Tư, 28 tháng 11, 2018

Đánh giá lợi thế tiềm năng của du lịch Quảng Bình

Đây là chủ đề chính của chương trình roadshow du lịch Quảng Bình đang diễn ra tại TP Hồ Chí Minh. Chương trình do Sở Du lịch tỉnh Quảng Bình và Sở Du lịch TP Hồ Chí Minh phối hợp tổ chức nhằm quảng bá, giới thiệu điểm đến Quảng Bình với du khách thành phố.

Ông Đặng Đông Hà, Phó Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Quảng Bình cho biết, Quảng Bình được đánh giá là địa phương có nhiều lợi thế, tiềm năng và giàu tài nguyên phát triển du lịch hàng đầu Việt Nam. Trong đó, nổi bật là Di sản thiên nhiên Vườn Quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng được UNESCO hai lần công nhận là Di sản thiên nhiên thế giới vào năm 2003 và năm 2015. Đây cũng là di sản đầu tiên trong khu vực Đông Nam Á đạt 3 trên 4 tiêu chí dành cho một Di sản thiên nhiên thế giới.


Theo đó, Phong Nha – Kẻ Bàng được xem là “vương quốc hang động” được hình thành trên 400 triệu năm, chứa đựng trong lòng khoảng 330 hang động lớn nhỏ có giá trị hàng đầu thế giới như: động Sơn Đoòng lớn nhất thế giới, hang Én lớn thứ ba thế giới, hang Va – hang động có hệ thống thạch nhũ và tháp đá vôi độc đáo, động Thiên Đường – động khô dài nhất châu Á, động Phong Nha, động Tiên Sơn, hang Tối…

Ngoài ra, Quảng Bình còn được du khách Sun spa resort Quảng Bình biết đến với nhiều địa điểm nổi tiếng như: Vũng Chùa – Đảo Yến là nơi an nghỉ của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, chùa Hoằng Phúc, biển Nhật Lệ… Hiện nay, hoạt động du lịch cộng đồng cũng đang phát triển bền vững với nhiều mô hình điểm du lịch như: hostel, homestay, farmstay có kiến trúc độc đáo, thân thiện môi trường, đa dạng dịch vụ phục vụ khách du lịch trong và ngoài nước.

Với những tiềm năng và lợi thế trên, du lịch Quảng Bình những năm gần đây có bước phát triển vượt bậc. Tổng số lượt khách năm 2018 ước đạt 3,9 triệu lượt, tăng 12,1% so với cùng kỳ năm trước, trong đó khách quốc tế đạt ước đạt 180.000 lượt, tăng 38,46% so với cùng kỳ. Tổng thu từ khách du lịch ước đạt 4.255 tỷ đồng, tăng 12% so với cùng kỳ năm 2017.


“Để tiếp tục thu hút đầu tư để phát triển du lịch bền vững trong thời gian tới, bên cạnh những chính sách ưu đãi chung, tỉnh Quảng Bình đã ban hành các chính sách khuyến khích, hỗ trợ đầu tư hấp dẫn đối với các doanh nghiệp đầu tư xây dựng cơ sở lưu trú (từ 3 sao trở lên tại thành phố Đồng Hới và từ 2 sao trở lên tại khu vực Phong Nha – Kẻ Bàng); các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống được cấp biển hiệu đạt tiêu chuẩn phục vụ khách du lịch; các hãng hàng không khai thác các đường bay mới…”, ông Hà cho biết thêm.

Theo ông Hà, hiện có hơn 30 dự án khách sạn, khu nghỉ dưỡng cao cấp đang triển khai, chuẩn bị đưa vào sử dụng cùng một số dự án khu nghỉ dưỡng cao cấp ven biển chuẩn bị triển khai trong năm 2019. Với tốc độ tăng trưởng đó và cơ sở hạ tầng kỹ thuật đang hoàn thiện nhanh chóng cùng với chiến lược phát triển du lịch bền vững, hiệu quả hiện nay, các chuyên gia quốc tế đánh giá đến năm 2030 Quảng Bình có thể trở thành điểm đến du lịch nghỉ dưỡng và giải trí cao cấp hàng đầu Việt Nam, điểm đến hấp dẫn hàng đầu Đông Nam Á với 8 triệu lượt khách du lịch trong đó có 3 triệu khách du lịch quốc tế.

Giá trị kiến trúc nghệ thuật đặc sắc của chùa Bổ Đà

Khu di tích chùa Bổ Đà là một danh lam cổ tự nổi tiếng của vùng Kinh Bắc xưa nay. Tương truyền chùa Bổ Đà có từ thời Lý, được tu bổ, tôn tạo và trở thành nổi tiếng vào thời Lê Trung Hưng, khi đó vua Lê Dụ Tông niên hiệu Bảo Thái 1720-1729, có vị quan tên là Phạm Kim Hưng quê ở làng Bình Vọng, huyện Thượng Phúc, Hà Tây (nay thuộc huyện Thường Tín, thành phố Hà Nội), sau khi từ quan về quê lập nghiệp đã vân du đến vùng đất Bổ Đà này, nghe các cao tăng giảng đạo và khi đắc đạo ông đã đem tất cả bổng lộc có được trong thời kỳ làm quan đem ra để trùng tu, mở mang di tích và chọn đây là nơi đào tạo các tăng đồ của thiền phái Lâm Tế.

Trải qua thời gian với những thăng trầm của lịch sử di tích đã nhiều tu bổ tôn tạo song chùa Bổ Đà Bắc Giang vẫn giữ được những giá trị lịch sử kiến trúc nghệ thuật đặc sắc. Qua 14 đời sư trụ trì đến nay ngôi chùa luôn được gìn giữ, bảo tồn và phát huy để trở thành 1 trong 2 chốn tổ lớn của tỉnh Bắc Giang.


Hiện nay khu di tích chùa Bổ Đà gồm rất nhiều hạng mục lớn nhỏ trong đó có 4 hạng mục chính, đó là Chùa Cao, am Tam Đức, Chùa Tứ Ân, Vườn Tháp.

Không giống những ngôi chùa khác là thờ nhiều tượng, từ trước đến nay Chùa Cao chỉ thờ một pho tượng duy nhất đó là tượng Quan Âm Tống Tử; điểm độc đáo nữa là chùa có nhiều tên gọi khác nhau như Chùa Cao vì chùa toạ lạc trên độ cao của núi Phượng Hoàng, chùa Quán Âm, chùa Ông Bổ bắt nguồn từ truyền thuyết dân gian, chùa Bổ Đà là lấy theo dãy núi Bổ Đà hùng vĩ.

Am Tam Đức có lịch sử từ lâu đời. Giá trị đặc sắc của am Tam Đức thể hiện ở ý nghĩa tên gọi: Am Tam Đức gồm 3 đức là Ân Đức, Đoạn Đức và Tri Đức. Tri đức hay còn gọi là quán đức nó có nghĩa là, người tu hành cần phải dùng trí huệ quán sát các pháp. Nhờ quán sát như thế, người tu hành mới tìm ra con đường giải thoát kiếp luân hồi. Đoạn đức là chỉ cho đoạn dứt hết các thứ vô minh phiền não lậu hoặc. Ân Đức là do nguyện lực của Phật và Bồ tát luôn luôn cứu độ chúng sanh. Người có ân đức là người luôn có tâm hồn rộng lượng bao dung tha thứ và làm lợi ích cho muôn loài.

Tứ Ân là một trong những hạng mục chính của khu di tích chùa Bổ Đà. Chùa được xây dựng vào thời vua Lê Dụ Tông (thế kỷ 18) và được trùng tu tôn tạo vào thời Nguyễn (thế kỷ XIX-XX) và những năm gần đây. Chùa có bố cục kiến trúc theo kiểu nội thông ngoại bế, tức nhìn từ ngoài vào chùa được bao bọc bởi hệ thống tường trình bằng đất, bên trong gồm 16 toà ngang dãy dọc với hơn 90 gian liên hoàn thành hình chữ Hoắc. Dấu ấn khác biệt của chùa Tứ Ân so với hệ thống các ngôi chùa cổ vùng đồng bằng Bắc Bộ Việt Nam chính là thờ Tam Giáo (gồm Phật giáo, Nho giáo và Lão giáo).

Với chức năng là nơi đào luyện tăng đồ của Thiền phái Lâm Tế đến nay chùa Tứ Ân còn lưu giữ được gần 2000 mộc bản kinh Phật cổ bằng gỗ thị được san khắc từ năm 1740 và nhiều đời cao tăng sau này. Trên những tấm mộc bản đó, người xưa đã để lại dấu ấn qua nội dung, đường nét, họa tiết, hình khối điêu luyện và tinh xảo, phản ánh những tư tưởng, triết lý sâu xa của đạo Phật nói chung và dòng thiền Lâm Tế nói riêng.


Vườn Tháp – Nét đặc biệt hiếm có ở các ngôi chùa. Vườn tháp chùa Bổ Đà là một trong những vườn tháp đẹp và lớn nhất trong cả nước gồm 110 ngôi tháp và mộ lớn nhỏ khác nhau. Trong đó, có 97 ngôi tháp cổ có lịch sử hàng trăm năm là nơi tàng lưu tro cốt xá lỵ nhục thân của 1214 tăng ni phật tử của thiền phái Lâm Tế trong cả nước. Các ngôi tháp đều được xây bằng gạch và đá bằng kỹ thuật truyền thống bắt mạch vôi mật mía. Một trong những điểm độc đáo khác biệt ở vườn tháp mà du khách tour lễ hội 2019 nhìn thấy đó là: Tất cả các tháp đều có cửa dạng cuốn vòm nhìn về hướng Đông Bắc.

Lễ hội truyền thống chùa Bổ Đà được tổ chức hàng năm trong 3 ngày từ 16-18/2 âm lịch.

Với những giá trị tiêu biểu, năm 1992 chùa Bổ Đà được Bộ Văn hóa, Thông tin và Thể thao xếp hạng là Di tích kiến trúc nghệ thuật.

Thứ Năm, 15 tháng 11, 2018

Chiêm ngưỡng bức tranh thiên nhiên quyến rũ Tả Vờng

Từ TP Đồng Hới (Quảng Bình), theo đường mòn Hồ Chí Minh ngược lên quốc lộ 12A, rẽ vào một cung đường uốn lượn qua chục ngọn núi sẽ lên đến đỉnh núi Chà Cáp. Ngay giữa thung lũng dưới chân núi này, bản Tà Vờng mờ ảo trong sương.

Tà Vờng là một trong ba bản thuộc vùng Lòm của xã Trọng Hóa, huyện Minh Hóa, Quảng Bình, nằm dọc đường biên giới Việt – Lào. Với vẻ đẹp hoang sơ cùng văn hóa khác biệt và độc đáo, những năm gần đây Tà Vờng đã thu hút khá nhiều du khách Sun Spa resort Quảng Bình đến khám phá.

Dân bản sống chung với mây trời

Anh Bùi Xuân Hoàng, cán bộ Sở Du lịch Quảng Bình, là một tay “phượt” từng chinh phục nhiều miền đất xa nhất của vùng đất này. Thế nhưng khi lần đầu tiên lên tới đỉnh Chà Cáp,anh  Hoàng vẫn choáng ngợp khi nhìn xuống thung lũng bên dưới.

Vừa trải qua trận mưa rào, làn hơi đá bao phủ khiến Tà Vờng như một buổi sớm cuối thu ở Đà Lạt. Một xe trong đoàn định vít ga thả dốc xuống thì Hoàng níu lại. “Ở đây để tận hưởng đã. Sau mưa là lúc Tà Vờng đẹp nhất” – Hoàng nói.


Cả nhóm đứng trên đỉnh Chà Cáp thêm vài chục phút thì hơi đá kéo lên, trải trên sườn những ngọn núi cao bao bọc xung quanh. 25 nóc nhà dần dần hiện ra trên đỉnh đồi.

Nhìn từ trên cao xuống có cảm giác như mấy chục nóc nhà sàn của Tà Vờng là những nốt nhạc được viết lên khung nhạc của núi rừng. “Nghe nói là đẹp thôi. Không thể ngờ là đẹp như trong một bức tranh như thế” – Hoàng nói.

Trời hửng nắng. Cả nhóm nhẹ nhàng thả trôi xe qua thêm ba ngọn núi thấp dần nữa thì Tà Vờng đã ở trước mặt. Lối lên được dân trong bản xẻ thành bậc thanh theo chiều dọc của ngọn đồi. Tà Vờng dường như biết cách tạo ấn tượng riêng ở những khoảng cách khác nhau.

Nếu nhìn từ trên cao xuống bản này như một bức tranh thì khi bước chân vào bản, những vị khách lại bị thuyết phục bởi sự ngăn nắp đến lạ.

Những ngôi nhà sàn bằng gỗ được xếp thẳng tắp. Từ dưới sàn nhà ra đến lối đi được dân bản quét dọn sạch đến mức không còn nhận ra đây là một bản làng ở vùng biên giới. Mỗi gia đình có một vườn rau tự trồng như dưới miền xuôi.

Cả 25 nóc nhà được bao bọc bởi một hệ thống hàng rào chung khoanh tròn trên đỉnh đồi, chỉ chừa một lối dẫn xuống con đường lớn, một lối sau bản dẫn lên rẫy. Một người trong nhóm “lỡ tay” thả một tờ giấy xuống sân một ngôi nhà sàn. Một phụ nữ từ trong nhà đã chạy ra nhặt và bỏ vào bao rác treo sau nhà.

Hồ Khiên, trưởng bản, nói bình thường dân bản như sống chung với mây trời. Cứ chiều muộn hoặc sáng sớm là mây sà xuống ngay sát đỉnh núi. Theo Hồ Khiên, sống trong khung cảnh như thế này mà không ngăn nắp, sạch sẽ thì như có tội với trời đất. Cứ vài tháng, dân bản lại họp mặt để nhắc nhở nhau về nếp sống một lần, lâu dần thành thói quen.


“Dân bản có thể thiếu ăn, thiếu mặc nhưng không thể thiếu ý thức được. Chính vì thế, nhiều vị khách đến với Tà Vờng rồi không thể quên” – Hồ Khiên nói.

Thưởng thức cá nướng bên bờ suối

Nhà của Hồ Khiên cùng với hai ngôi nhà khác trong bản là nơi lưu trú của khách tour du lịch Quảng Bình theo mô hình du lịch cộng đồng. Dù đã làm du lịch được mấy năm, nhưng văn hóa bản địa vẫn ăn sâu trong máu những người dân tộc Mã Liềng, dân tộc Mày ở Tà Vờng.

Nói như Hồ Khiên, cách làm du lịch của Tà Vờng không gì khác hơn là để khách sống cuộc sống bình thường của dân bản. Có lẽ cũng chính vì thế mà những người khách từng đến đây cảm thấy quyến luyến nhất.

Đêm trên bản, gió vi vút. Hồ Khiên cùng con trai ra sau nhà ôm một cuộn lưới rồi nháy mắt cho nhóm khách đi theo xuống suối Tà Leng ở sau bản. Ra đến suối, trong khi con trai quăng lưới xuống đoạn suối, Hồ Khiên soi đèn quanh đó kiếm củi. Một bếp lửa được thổi lên ngay bên suối chỉ sau đó vài phút. Thêm vài phút nữa, con trai Hồ Khiên cũng kéo được mớ cá suối.

Hồ Khiên rút trong chiếc túi mang theo ra một hũ nhỏ rượu gạo do chính dân bản nấu. Chỉ trong phút chốc, không khí tĩnh lặng đã tan biến. Những vị khách bắt đầu tận hưởng cảm giác hoang dã của núi rừng.

Cá được nướng ngay bên suối. Khách và chủ cùng nhâm nhi men rượu. Không gian như đứng yên vì sợ những cảm xúc này trôi qua mất. “Đúng là một cảm giác khó quên” – Thành, vị khách trong nhóm, thốt lên.


Rạng sáng, những vị khách chưa hết chếnh choáng thì bị đánh thức bởi tiếng giã chày liên tục. Không phải một, mà gần như cả bản đều có thứ âm thanh đó. Bật dậy đi qua ngôi nhà sàn gần nhất, hai phụ nữ đang say sưa vung chày giã vào cối. Ngay dưới cối là một mớ hỗn hợp gồm cả gạo nếp, sắn và ngô. Hai phụ nữ giã lần lượt từng loại rồi trộn vào với nhau.

Hóa ra đây là lúc cả bản dậy làm món cơm Pồi. Sau khi giã xong, hỗn hợp này sẽ được hấp chín. Đó chính là lương thực chính trong bữa ăn của người Tà Vờng. Khách được hai người phụ nữ cho vào cùng thử làm cơm Pồi.

Để làm được cơm Pồi ngon, phải giã cho cả ba loại nguyên liệu trên quyện vào nhau như một, sau đó mới cho vào ống tre hấp. “Khi ở nhà mình cũng từng nghe món này. Nhưng không ngờ làm ra nó lại tốn nhiều công sức thế” – Thành nói.

Theo Hồ Khiên, đây là món cơm truyền thống của người Mày, Mã Liềng. Món này đã gắn bó với người dân Tà Vờng từ xa xưa. Khi bắt đầu làm du lịch, dân bản cũng chọn luôn món này làm món đại diện văn hóa ẩm thực của dân bản để đãi khách.

“Đây chính là thứ do chính dân bản làm ra. Khách du lịch ăn để nhớ Tà Vờng” – Hồ Khiên nói.

Xây bản mới, tránh vùng xói lở

Theo người dân trong bản, Tà Vờng trước đây ở cách địa điểm hiện tại hơn 2km, phía sâu trong núi, bên kia con suối Tà Leng. Do địa hình dốc, đến mùa mưa lũ đất bị xói lở, gây nguy hiểm cho dân bản, nên năm 2012 chính quyền và bộ đội biên phòng vận động bà con dân bản di chuyển khỏi vùng sạt lở nguy hiểm về xây dựng bản mới trên ngọn đồi hiện tại.

Ông Đinh Tiến Dũng, cán bộ văn hóa xã Trọng Hóa, cho biết Tà Vờng không chỉ có vẻ đẹp của cảnh sắc, mà còn là vùng đất mang nét văn hóa khác biệt. Nếu phát triển khu du lịch cộng đồng thành công, không chỉ nơi đây sẽ trở thành một điểm du lịch hấp dẫn mà đời sống đồng bào dân tộc cũng được cải thiện.