Vào mùa nước nổi, miệt Châu Đốc (An Giang) như khoác lên mình một tấm áo choàng mới với sắc xanh biêng biếc của những rừng tràm, sắc vàng của những cành hoa điên điển…
Mùa nước nổi ở các tỉnh miền Tây Nam Bộ thường kéo dài từ tháng 9 đến tháng 11 hằng năm. Vào khoảng thời gian này, nước từ biển Hồ và thượng nguồn sông Mê Kông đổ về mang theo nguồn lợi thủy sản dồi dào với đầy ắp cá tôm và một lượng phù sa lớn.
Người miền Tây xem đây là món quà tự nhiên mà mỗi năm thiên nhiên ban tặng, tận dụng nó để cải thiện đời sống vật chất tinh thần bằng nhiều hình thức khai thác rất độc đáo.
Vào mùa lũ, cùng với những địa danh khác, khu vực Châu Đốc cũng làm say lòng biết bao lữ khách tour du lịch miền Tây giá rẻ với cảnh sắc mây trời tươi đẹp, món ăn đặc sản và những con người miền Tây hào sảng, chất phác.
Đến Châu Đốc mùa này, hẳn ai cũng ngất ngây trước vẻ đẹp quá đổi nên thơ, yên bình của những ngôi nhà gỗ nằm dọc hai bên bờ sông Hậu. Đó là làng nổi Châu Đốc - nơi người dân quanh năm mưu sinh bằng nghề nuôi cá lồng với loài cá ba sa nổi tiếng một thời.
Những ngôi nhà san sát, tiếp nối nhau trải dài hàng chục cây số, nằm yên bình bên bờ sông, len lỏi giữa những đám lục bình xanh mướt đủng đỉnh trôi qua, làm nên dáng vẻ đặc trưng của miệt vườn sông nước. Đến Châu Đốc mùa này, du khách không chỉ ghi lại những bức ảnh đẹp mà còn được tìm hiểu về cuộc sống của bà con nơi đây, hòa mình vào lối sống giản dị của người An Giang.
Nước nổi về mang theo một nguồn lợi thủy sản lớn với nhiều loài tôm cá, trong đó cá linh là loài cá phổ biến nhất, nhiều nhất và cũng từ cá linh có thể chế biến thành rất nhiều món ăn hấp dẫn.
Để bắt cá linh, người dân thường dùng lưới đáy, dớn hoặc đú, giăng trên sông hoặc trên những cánh đồng có nước lũ tràn về. Sáng hôm sau ra đồng kéo lưới, cá linh mắc đầy, loi ngoi lóp ngóp còn tươi mơn mởn. Cá linh non đầu mùa thường có giá rất cao, khoảng 150.000 đồng 1 ký cá tươi. Bởi loại cá này chỉ có vào mùa lũ, thịt cá rất ngọt và có thể nấu nhiều món như cá linh kho lạt, canh chua cá linh hoặc làm mắm để ăn dần dần.
Nhắc đến cá linh, không thể không kể đến một loài thực vật - một loài hoa - loài rau chỉ nở vàng rực vào những ngày nước nổi. Đi vào cả âm nhạc, bông điển điển là một trong những loài hoa điển hình tốt tươi khi lũ tràn về. Trên khắp những cánh đồng Châu Đốc, bông điên điển nở vàng rực cả góc trời, hòa chung sắc màu với những cánh đồng trổ đầy hoa sen, hoa súng.
Về Châu Đốc mùa này, lênh đênh xuồng dọc theo những cánh đồng ngập nước, với tay hái những chùm hoa bé tí ti vàng rực. Về nhà nấu canh chua cá linh non, đem xào tép hoặc làm gỏi chấm nước mắm, để thấy được hết vị ngon chân chất của loài hoa đồng sâu nước ngọt.
Đến thăm Châu Đốc, ngoài những hoạt động trải nghiệm để tận hưởng không khí những ngày lũ về, du khách du lịch sông nước miền Tây nhất định phải ghé chợ Châu Đốc - nơi được mệnh danh là thiêng đường mắm. Rất nhiều các loại mắm cá linh, mắm cá lóc, mắm sặc,…. hay các loại khô sẽ làm bạn choáng ngợp vì không biết phải mua loại nào. Mắm nào cũng ngon, cũng hấp dẫn cả thị giác lẫn khướu giác mà giá cả lại phải chăng, người bán lại nhiệt tình chào mời, giới thiệu.
Những năm gần đây, lũ không còn dồi dào như trước, song lũ vẫn về như một người bạn tâm giao mỗi năm ghé thăm một lần dù thời gian có ngắn lại. Mùa nước nổi miền Tây nói chung và mùa nước nổi Châu Đốc nói riêng luôn mang đến cho người dân sự nôn nao, chờ đợi.
Nào cá linh, nào bông điên điển, nào phù sa bồi đắp hay những cánh rừng tràm xanh bát ngát,… luôn là những hình ảnh đẹp, đặc trưng không chỉ của người miền Tây, mà còn là dư âm ngọt ngào trong những ai đã từng đến đây mùa nước nổi.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét