Thứ Hai, 29 tháng 1, 2018

Chiêm bái những pho tượng tinh xảo của chùa Mía

Chùa Mía cách trung tâm Hà Nội khoảng 45 km về phía Tây. Chùa được tọa lạc tại sườn đồi thuộc thôn Đông Sàng, xã Đường Lâm, thị xã Sơn Tây, Hà Nội.

Đường Lâm vốn là mảnh đất lịch sử đã nổi tiếng với các tên tuổi như: Phùng Hưng, Ngô Quyền, nhà đối ngoại đại tài Giang Văn Minh…Nay lại được nhiều du khách tour du xuân 2018 biết và đặt chân tới nhờ có tổ đình “Sùng Nghiêm”.


Chùa Mía được xây dựng từ xa xưa do đó đến thế kỷ XVII, Chùa bị hoang phế, hư hỏng nặng. Năm 1632, cung phi Nguyễn Thị Ngọc Dong là phi tần trong phủ Trịnh Tráng (1623 – 1657) đã đứng lên xây dựng và khuyến mộ thiện nam, tín nữ các làng Đông Sàng, Cam Thịnh, Mông Phụ…thuộc tổng Cam Giá (tức tổng Mía) cùng nhau tôn tạo lại.

Nhân dân trong vùng mến mộ uy đức của bà, đã tạc tượng đem thờ ở chùa. Người dân nơi đây tôn sùng bà là “Bà Chúa Mía”. Chùa được tu bổ nhiều lần, nhưng đến nay quy mô tôn tạo thời Bà Chúa Mía vẫn được bảo tổn nguyên vẹn. Các tòa như: Tam Quan, Chính Điện, Thượng Điện, nhà Tổ, hành lang san sát nối kề, trong ngoài bao bọc, ngang dọc đan xen, tạo dáng thành hình chữ Mục.


Điểm đặc biệt ở nơi đây là một hệ thống tượng Phật không chỉ đặc sắc về hình dáng mà còn phong phú về số lượng. Ở đây có đến 287 pho tượng thờ, trong đó có 174 tượng bằng đất nung sơn son thếp vàng, 107 tượng mộc và sáu pho tượng bằng đồng. Từ cử chỉ của ngón tay đến cách nhìn của khóe mắt, đều cho khách viếng thăm thấy được nét độc đáo phi phàm nhưng đầy từ bi hỉ xả.

Những pho tượng nổi tiếng là tác phẩm điêu khắc sinh động như: tượng Tuyết Sơn, tượng Di Lặc, tượng Bát Bộ Kim Cương… Tượng Tuyết Sơn cao 0,76m, không to lớn và nổi tiếng như tượng Tuyết Sơn ở chùa Tây Phương, nhưng cũng được điêu khắc, chạm trổ rất tinh xảo. Tám pho tượng làm bằng đất nung ở tòa thượng điện lại đặc biệt nổi bật với hình khối, bố cục vững chắc, thân hình khỏe khoắn, hài hòa, thể hiện con mắt và bàn tay tinh xảo của những nghệ nhân xưa.

Không chỉ có nhiều pho tượng Phật nghệ thuật, chùa Mía còn mang theo suốt quá trình lịch sử những hiện vật giá trị. Tầng trên Tam quan là chiếc chuông lớn đúc từ năm Cảnh Hưng thứ 6 (1745) và chiếc khánh đồng đúc năm Thiệu Trị thứ 6 (1846). Tiếp đến là tòa tháp “Cửu Phẩm Liên Hoa”. Tòa tháp này được xây dựng để thờ vọng Xá lị đức phật. Bên cạnh đó, ngọn tháp cũng được những người xây dựng gửi gắm ước muốn được gìn giữ, phát triển nét văn hóa của làng quê.


Điều đặc biệt nhất là trong chùa còn có một tấm bia đá rất đẹp, cao 1,6m; rộng 1,2m và được đặt trên lưng một con rùa. Tấm bia đá được khắc năm 1634, nói về việc trùng tu chùa năm 1632. Tại tấm bia đá này cũng lưu trữ nhiều tài liệu quý báu mang giá trị lịch sử lớn lao của ngôi chùa. Với kiến trúc độc đáo và những tác phẩm điêu khắc có giá trị, chùa Mía đã được bộ Văn hóa - thể thao và du lịch xếp hạng là di tích kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia. Về chùa Mía, du khách tour tham quan làng cổ Đường Lâm còn được thưởng thức những đặc sản dân dã nơi đây. Bởi họp ngay trước cửa tam quan của chùa Mía là khu chợ Mía nổi tiếng. Xưa kia, chợ này người buôn kẻ bán tấp nập với những sản vật phong phú, đa dạng của địa phương.

Ngày nay, chợ Mía đã được xây khang trang. Hàng chợ chủ yếu bán cho du khách thập phương những đặc sản quê như bánh tẻ, kẹo bột, tương nếp, chè lam...Chùa Mía không rộng và đông đúc khách thập phương đến viếng như chùa Tây Phương, chùa Hương hay những ngôi chùa nổi tiếng khác. Những ngày đầu xuân, ghé thăm chùa vào vẫn thấy chùa yên tĩnh, cổ kính như ngày thường. Khách viếng chùa không ồn ào, chen chúc. Khói hương không nghi ngút, thoảng trong không gian tĩnh mịch là tiếng chuông chùa văng vẳng.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét