Từ TP Đồng Hới (Quảng Bình), theo đường mòn Hồ Chí Minh ngược lên quốc lộ 12A, rẽ vào một cung đường uốn lượn qua chục ngọn núi sẽ lên đến đỉnh núi Chà Cáp. Ngay giữa thung lũng dưới chân núi này, bản Tà Vờng mờ ảo trong sương.
Tà Vờng là một trong ba bản thuộc vùng Lòm của xã Trọng Hóa, huyện Minh Hóa, Quảng Bình, nằm dọc đường biên giới Việt – Lào. Với vẻ đẹp hoang sơ cùng văn hóa khác biệt và độc đáo, những năm gần đây Tà Vờng đã thu hút khá nhiều du khách
Sun Spa resort Quảng Bình đến khám phá.
Dân bản sống chung với mây trời
Anh Bùi Xuân Hoàng, cán bộ Sở Du lịch Quảng Bình, là một tay “phượt” từng chinh phục nhiều miền đất xa nhất của vùng đất này. Thế nhưng khi lần đầu tiên lên tới đỉnh Chà Cáp,anh Hoàng vẫn choáng ngợp khi nhìn xuống thung lũng bên dưới.
Vừa trải qua trận mưa rào, làn hơi đá bao phủ khiến Tà Vờng như một buổi sớm cuối thu ở Đà Lạt. Một xe trong đoàn định vít ga thả dốc xuống thì Hoàng níu lại. “Ở đây để tận hưởng đã. Sau mưa là lúc Tà Vờng đẹp nhất” – Hoàng nói.
Cả nhóm đứng trên đỉnh Chà Cáp thêm vài chục phút thì hơi đá kéo lên, trải trên sườn những ngọn núi cao bao bọc xung quanh. 25 nóc nhà dần dần hiện ra trên đỉnh đồi.
Nhìn từ trên cao xuống có cảm giác như mấy chục nóc nhà sàn của Tà Vờng là những nốt nhạc được viết lên khung nhạc của núi rừng. “Nghe nói là đẹp thôi. Không thể ngờ là đẹp như trong một bức tranh như thế” – Hoàng nói.
Trời hửng nắng. Cả nhóm nhẹ nhàng thả trôi xe qua thêm ba ngọn núi thấp dần nữa thì Tà Vờng đã ở trước mặt. Lối lên được dân trong bản xẻ thành bậc thanh theo chiều dọc của ngọn đồi. Tà Vờng dường như biết cách tạo ấn tượng riêng ở những khoảng cách khác nhau.
Nếu nhìn từ trên cao xuống bản này như một bức tranh thì khi bước chân vào bản, những vị khách lại bị thuyết phục bởi sự ngăn nắp đến lạ.
Những ngôi nhà sàn bằng gỗ được xếp thẳng tắp. Từ dưới sàn nhà ra đến lối đi được dân bản quét dọn sạch đến mức không còn nhận ra đây là một bản làng ở vùng biên giới. Mỗi gia đình có một vườn rau tự trồng như dưới miền xuôi.
Cả 25 nóc nhà được bao bọc bởi một hệ thống hàng rào chung khoanh tròn trên đỉnh đồi, chỉ chừa một lối dẫn xuống con đường lớn, một lối sau bản dẫn lên rẫy. Một người trong nhóm “lỡ tay” thả một tờ giấy xuống sân một ngôi nhà sàn. Một phụ nữ từ trong nhà đã chạy ra nhặt và bỏ vào bao rác treo sau nhà.
Hồ Khiên, trưởng bản, nói bình thường dân bản như sống chung với mây trời. Cứ chiều muộn hoặc sáng sớm là mây sà xuống ngay sát đỉnh núi. Theo Hồ Khiên, sống trong khung cảnh như thế này mà không ngăn nắp, sạch sẽ thì như có tội với trời đất. Cứ vài tháng, dân bản lại họp mặt để nhắc nhở nhau về nếp sống một lần, lâu dần thành thói quen.
“Dân bản có thể thiếu ăn, thiếu mặc nhưng không thể thiếu ý thức được. Chính vì thế, nhiều vị khách đến với Tà Vờng rồi không thể quên” – Hồ Khiên nói.
Thưởng thức cá nướng bên bờ suối
Nhà của Hồ Khiên cùng với hai ngôi nhà khác trong bản là nơi lưu trú của khách
tour du lịch Quảng Bình theo mô hình du lịch cộng đồng. Dù đã làm du lịch được mấy năm, nhưng văn hóa bản địa vẫn ăn sâu trong máu những người dân tộc Mã Liềng, dân tộc Mày ở Tà Vờng.
Nói như Hồ Khiên, cách làm du lịch của Tà Vờng không gì khác hơn là để khách sống cuộc sống bình thường của dân bản. Có lẽ cũng chính vì thế mà những người khách từng đến đây cảm thấy quyến luyến nhất.
Đêm trên bản, gió vi vút. Hồ Khiên cùng con trai ra sau nhà ôm một cuộn lưới rồi nháy mắt cho nhóm khách đi theo xuống suối Tà Leng ở sau bản. Ra đến suối, trong khi con trai quăng lưới xuống đoạn suối, Hồ Khiên soi đèn quanh đó kiếm củi. Một bếp lửa được thổi lên ngay bên suối chỉ sau đó vài phút. Thêm vài phút nữa, con trai Hồ Khiên cũng kéo được mớ cá suối.
Hồ Khiên rút trong chiếc túi mang theo ra một hũ nhỏ rượu gạo do chính dân bản nấu. Chỉ trong phút chốc, không khí tĩnh lặng đã tan biến. Những vị khách bắt đầu tận hưởng cảm giác hoang dã của núi rừng.
Cá được nướng ngay bên suối. Khách và chủ cùng nhâm nhi men rượu. Không gian như đứng yên vì sợ những cảm xúc này trôi qua mất. “Đúng là một cảm giác khó quên” – Thành, vị khách trong nhóm, thốt lên.
Rạng sáng, những vị khách chưa hết chếnh choáng thì bị đánh thức bởi tiếng giã chày liên tục. Không phải một, mà gần như cả bản đều có thứ âm thanh đó. Bật dậy đi qua ngôi nhà sàn gần nhất, hai phụ nữ đang say sưa vung chày giã vào cối. Ngay dưới cối là một mớ hỗn hợp gồm cả gạo nếp, sắn và ngô. Hai phụ nữ giã lần lượt từng loại rồi trộn vào với nhau.
Hóa ra đây là lúc cả bản dậy làm món cơm Pồi. Sau khi giã xong, hỗn hợp này sẽ được hấp chín. Đó chính là lương thực chính trong bữa ăn của người Tà Vờng. Khách được hai người phụ nữ cho vào cùng thử làm cơm Pồi.
Để làm được cơm Pồi ngon, phải giã cho cả ba loại nguyên liệu trên quyện vào nhau như một, sau đó mới cho vào ống tre hấp. “Khi ở nhà mình cũng từng nghe món này. Nhưng không ngờ làm ra nó lại tốn nhiều công sức thế” – Thành nói.
Theo Hồ Khiên, đây là món cơm truyền thống của người Mày, Mã Liềng. Món này đã gắn bó với người dân Tà Vờng từ xa xưa. Khi bắt đầu làm du lịch, dân bản cũng chọn luôn món này làm món đại diện văn hóa ẩm thực của dân bản để đãi khách.
“Đây chính là thứ do chính dân bản làm ra. Khách du lịch ăn để nhớ Tà Vờng” – Hồ Khiên nói.
Xây bản mới, tránh vùng xói lở
Theo người dân trong bản, Tà Vờng trước đây ở cách địa điểm hiện tại hơn 2km, phía sâu trong núi, bên kia con suối Tà Leng. Do địa hình dốc, đến mùa mưa lũ đất bị xói lở, gây nguy hiểm cho dân bản, nên năm 2012 chính quyền và bộ đội biên phòng vận động bà con dân bản di chuyển khỏi vùng sạt lở nguy hiểm về xây dựng bản mới trên ngọn đồi hiện tại.
Ông Đinh Tiến Dũng, cán bộ văn hóa xã Trọng Hóa, cho biết Tà Vờng không chỉ có vẻ đẹp của cảnh sắc, mà còn là vùng đất mang nét văn hóa khác biệt. Nếu phát triển khu du lịch cộng đồng thành công, không chỉ nơi đây sẽ trở thành một điểm du lịch hấp dẫn mà đời sống đồng bào dân tộc cũng được cải thiện.