Chủ Nhật, 4 tháng 2, 2018

Không gian hoang sơ đặc sắc của vườn chim Thung Nham

Giống như một thung lũng xanh bạt ngàn trải dài, uốn mình qua những dãy núi đá vôi phủ màu xanh mát mắt của dải rừng nhiệt đới, với dòng xanh và những trảng cỏ mềm mại xanh mướt, Thung Nham (thôn Đông Khê, xã Ninh Hải, huyện Hoa Lư, tỉnh Ninh Bình) là một điểm đến thật bất ngờ. 

Cách thành phố Ninh Bình khoảng 12km, nằm trọn trong vùng lõi của quần thể danh thắng Tràng An, những năm trở lại đây Thung Nham ngày càng thu hút du khách tour du xuân 2018 bởi vẻ hoang sơ và bí ẩn. Nét đặc sắc nhất ở Thung Nham là vườn chim nằm ở trên một vùng ngập nước, nơi có nhiều cây xanh, những bụi lau, sậy rậm rạp thích hợp để các loài chim làm tổ, sinh sống. Có lẽ vì thế mà nơi đây được mệnh danh là xứ sở của các loài chim với hàng nghìn con chim thuộc gần 40 loài tụ hội, như cò, vạc, sáo, le le… nhiều nhất là cò trắng


Chiều về, những đàn chim trời sau một ngày đi kiếm ăn đã dần trở về đậu trắng trên các ngọn cây, lũy tre. Những âm thanh vang rộn của cò, vạc khắp cả khu vườn thật vui tai. Mùa đông, chim sẽ bắt đầu về vườn từ lúc 4 giờ chiều, còn mùa hè, chim về muộn hơn khoảng 1-2 tiếng. Theo người dân nơi đây, vì vùng đất cuối thung lũng này rất yên tĩnh nên luôn là “đất lành” để các loài chim trời tìm về. Có một phát hiện vô cùng thú vị là tại Thung Nham đã xuất hiện một số cá thể hằng hạc và phượng hoàng - hai loài chim quý hiếm đã được ghi trong sách đỏ và nằm trong bộ tứ linh (long, ly, quy, phượng).

Đến Thung Nham, du khách còn như lạc vào cổ tích với hang Bụt, động Ba Cô, động Thủy Cung. Đây là dạng cảnh quan hang động ướt dưới vách núi, lòng núi đá vôi rất đặc trưng của vùng đất này. Kỳ thú nhất là ở đây có khu động Vái Giời như một Bích Động thứ hai của Ninh Bình. Trải qua gần 500 bậc đá dựng đứng mới có thể tới được cửa động. Ngay cửa động chính là tầng trần gian, từ đây du khách sẽ trải qua 88 bậc thang cheo leo để tới với chốn thiên đường, nơi có rất nhiều nhũ đá, tảng đá mang hình khối tượng trưng cho cõi niết bàn, bồ tát, thiên đình... như níu bước chân du khách du lịch Thung Nham 1 ngày chẳng muốn dời.


Không chỉ có vườn chim quý, các hang động đẹp, Thung Nham còn sở hữu cây đa “biết đi” ở Đền Gối Đại - một ngôi đền cổ, thờ 2 vị thần trấn trạch Hoa Lư tứ trấn là thần Cao Sơn và thần Quý Minh. Theo người dân bản địa, cứ hơn 300 năm cây đa lại di chuyển 1 bước. Mỗi bước di chuyển của cây đa được hơn 10m. Tương truyền vị trí ban đầu của cây đa ở bên cạnh ngôi đền mới xây hiện nay.  Đây là ngôi đền mới được xây dựng trên nền móng của ngôi đền cổ. Trước kia, vị trí của cây đa là bên ngôi đền cổ. Khi đền cổ mất đi nó bước đi đầu tiên xuống chỗ dựng miếu thờ tạm. Sau đó đến bước thứ hai và bước thứ 3 đã tiến ra gần bờ hồ. 

Các nhà khoa học, các nhà chuyên môn đánh giá hơn 300 năm cây đa lại di chuyển 1 bước, trong khoảng thời gian đó thân chính của cây sẽ bị mục nát rồi mất đi khi rễ phụ thả xuống bám chặt, ăn sâu vào lòng đất lớn dần lên và sẽ lại trở thành thân chính để nuôi cây. Cứ như thế và nó di chuyển được. Nên nguời dân địa phương mới gọi là cây đa di chuyển.